crown88

Ý nghĩa ngày Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán) ở Việt Nam

Ý nghĩa ngày Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán) ở Việt Nam

Tết Nguyên đán là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, đây là ngày để mọi người đoàn tụ với gia đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên. Người Việt Nam quan niệm ngày Tết là ngày đoàn viên, dù làm bất kỳ nghề gì hay ở bất cứ nơi đâu, đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết. Tết Nguyên đán được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong tâm thức người Việt Nam. Đây là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau, hướng về tổ tiên và cùng chia sẻ về những trải nghiệm trong một nămđã qua.


Ảnh minh họa: Ngày tết ở quê

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất của người dân Việt Nam, mang ý nghĩa nhân văn và cội nguồn sâu sắc. Đây chính là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, bên mâm cỗ truyền thống để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới.

Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán (hay Tết âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền) là dịp lễ quan trọng và ý nghĩa nhất của người dân Việt Nam, diễn ra vào đầu năm âm Lịch. Đây cũng chính là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Nếu đọc đúng phiên âm, dịp lễ này phải gọi là “Tiết Nguyên Đán”. Bởi nguyên nghĩa của chữ “Tết” là “Tiết”, còn theo phiên âm chữ Hán – Việt thì “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu, “Đán” là buổi sáng sớm.

Với người dân Việt Nam, Tết được coi là “món ăn tinh thần” không thể thiếu vào những dịp cuối năm. Bất cứ ai dù ở nơi đâu cũng muốn trở về bên gia đình, tổ tiên, cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa. Không chỉ vậy, Tết cổ truyền còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong nền văn minh nông nghiệp Việt Nam từ xa xưa, nhằm gắn kết tinh thần dân tộc, giữa gia đình và xóm làng, con người với thiên nhiên.

Ảnh:Tết Nguyên Đán diễn ra vào đầu năm âm lịch, là dịp lễ quan trọng nhất của người dân Việt Nam

Cách tính thời gian của Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán được tính vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, do quy luật 3 năm nhuận một tháng nên sẽ muộn hơn Tết Dương lịch khoảng 1 đến 2 tháng. Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán thường rơi vào ngày 21/1 đến 19/2 dương lịch.

Tại Việt Nam, dịp lễ này thường kéo dài từ 23 tháng chạp đến ngày 7 tháng giêng. Người dân sẽ bắt đầu sắm sửa Tết trong khoảng 7 ngày cuối năm cũ, nghỉ ngơi “chơi” Tết trong 7 ngày đầu năm mới. Theo truyền thống xa xưa, khoảng thời gian này cũng là lúc nông dân nhàn rỗi, chưa bước vào vụ mùa mới nên họ sẽ rất háo hức, phấn khởi, bù đắp lại những ngày tháng vất vả trong năm.

Ảnh: Tết Nguyên Đán 2023 rơi vào ngày 20/1 đến 26/1 (theo lịch dương)

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi. Bởi theo nhiều nguồn thông tin, Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam trong khoảng thời gian 1000 năm đô hộ. Tuy nhiên, theo truyện cổ tích lịch sử “Bánh chưng bánh dày”, Tết Nguyên Đán đã có từ thời vua Hùng, từ trước khi Bắc thuộc. Đồng thời, trong cuốn “Kinh Lễ”, Khổng Tử cũng đã viết rằng: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”. Như vậy, có thể thấy rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc ở Việt Nam từ thời Vua Hùng.

Ảnh: Theo truyện cổ tích lịch sử, Tết Nguyên Đán có nguồn gốc tại Việt Nam từ thời Vua Hùng

Tuy nhiên, cho dù bắt nguồn từ nước nào thì Tết vẫn là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người dân Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi nước sẽ có những phong tục, bản sắc và nét đặc trưng riêng, thể hiện tinh thần văn hóa dân tộc rõ nét.

Ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam

Đối với người dân Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn là sự giao thoa giữa trời đất, con người và thần linh. Bởi theo quan niệm của người phương Đông, “Tết” do “Tiết” (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, chu chuyển lần lượt giữa 4 mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông mà tạo thành. Đồng thời, khi đất nước còn dựa vào nền văn minh nông nghiệp, người nông dân sẽ xem Tết là khoảng thời gian để tưởng nhớ đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Mặt Trời, thần Sấm,… Họ chính là những người giúp mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.

Tết Nguyên Đán cũng chính là dịp con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thăm mộ và khấn vái những người đã khuất. Thông thường, từ tối ngày 30 hay trước thời khắc giao thừa, mọi gia đình đều sẽ thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, phù hộ cho con cháu năm mới vạn sự như ý, phát tài phát lộc. Bàn thờ ngày Tết cũng được bày biện rất đặc biệt, có mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống và khói hương nghi ngút.

Trong ngày Tết cổ truyền, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, sum họp sau một năm làm việc vất vả. Với những người con xa quê, đây cũng chính là dịp để trở về nhà bên cạnh những người yêu thương, cùng nhau bập bùng bên bếp lửa hồng và nồi bánh chưng xanh.

Ngoài ra, Tết còn mang đến nhiều điều may mắn, giúp mọi người “làm mới” tinh thần. Từ những ngày cuối năm, mọi người đã cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón xuân. Ai ai cũng nô nức, xúng xính quần áo mới. Mọi muộn phiền của năm cũ dường như đều tan biến để khởi đầu một năm cũ may mắn, lạc quan và đầy ắp niềm tin vào cuộc sống.

Cuối cùng, Tết Nguyên Đán được xem là dịp sinh nhật của tất cả mọi người, cùng chúc nhau đón tuổi mới. Người lớn sẽ mừng tuổi (lì xì) để chúc các bé ngoan ngoãn, mau ăn chóng lớn, chúc các cụ già mạnh khỏe và sum vầy bên con cháu.

Ảnh: Tết Nguyên Đán được xem là sinh nhật của mọi người, cùng nhau chúc mừng tuổi mới

Phong tục ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam

  1. Cúng ông Công, ông Táo

Từ xưa đến nay, người Việt Nam đều có phong tục cúng ông Công, ông Táo vào những dịp cuối năm. Mọi người sẽ dọn dẹp căn bếp thật sạch sẽ, chuẩn bị mâm cỗ gồm trái cây, món mặn, hóa vàng và phóng sinh cá chép để tiễn đưa ông Công, ông Táo về triều. Các chư vị thần linh này sẽ thay gia chủ báo cáo những công việc trong năm qua với Ngọc Hoàng.

Ảnh: Phong tục tiễn đưa ông Công, ông Táo chầu trời vào ngày 23 tháng chạp hàng năm

  1. Nấu bánh chưng, bánh tét

Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi nhà đều mua lá giong (hoặc lá chuối), ống nứa, nếp mới, đỗ xanh và thịt lợn để gói bánh chưng, bánh tét. Loại bánh truyền thống này sẽ được dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên và là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt.

Ảnh: Phong tục nấu bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết cổ truyền

Hiện nay, ở một số làng quê, người dân vẫn giữ thói quen cùng nhau gói bánh và quây quần bên bếp lửa chờ bánh chín. Đây là một hình ảnh đẹp, ấm cúng của ngày Tết, được lưu truyền trong ký ức của nhiều thế hệ.

  1. Chưng mâm ngũ quả

Ở mỗi vùng miền khác nhau, thậm chí là mỗi gia đình khác nhau sẽ có những suy nghĩ và quan niệm khác nhau để bày trí mâm ngũ quả cho phù hợp. Thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới.

Ảnh: Mâm ngũ quả thường có nải chuối tượng trưng cho tay Phật và hành mộc

Cũng qua mâm ngũ quả, con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ để có được thành quả trong suốt một năm vừa qua, và cũng để bày tỏ mong ước cho những điều tốt lành may mắn trong năm mới sắp tới.

Dưới góc độ phong thuỷ, ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tương ứng với các màu đen, đỏ, xanh, trắng, vàng.

Thông thường, mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối, và nhất định là chuối còn xanh. Màu xanh của chuối được coi là Hành Mộc. Nải chuối có các quả bao lên như bàn tay, có ý che chở, sự sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Giữa nải chuối thường là quả bưởi màu vàng (ứng với Hành Thổ), ý nghĩa là cầu phúc lộc (nhiều người cũng dùng quả phật thủ hay quả lựu chín vàng).

  1. Thăm mộ tổ tiên, tảo mộ

Trước khi bắt đầu năm mới, con cháu sẽ họp mặt và đến thăm mộ ông bà, tổ tiên. Mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp khuôn viên mộ, thắp hương để tỏ lòng thành kính với những người đã khuất. Đồng thời, phong tục này còn để mời ông bà về ăn tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu năm mới may mắn, sức khỏe và tài lộc.

Ảnh: Thăm mộ tổ tiên trước khi bắt đầu năm mới

  1. Cúng tất niên, đón giao thừa

Cúng tất niên là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Nghi lễ quan trọng này được thực hiện vào ngày 30 tết, thường vào thời khắc giao thừa để tạm biệt năm cũ. Theo quan niệm xa xưa, gia chủ sẽ làm mâm cỗ mặn và hoa quả để báo cáo với tổ tiên và các chư vị thần linh, cầu chúc năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Ảnh: Mâm cỗ cúng giao thừa ngày Tết

Ảnh: Hình ảnh người dân xem bắn pháo hoa vào đêm giao thừa

  1. Xông đất

Ngay sau thời khắc giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà sẽ là người xông đất đầu năm cho gia đình. Nếu hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ thì sẽ mang đến nhiều điều may mắn, một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới.

Ảnh: Xông đất đầu năm mới

  1. Chúc Tết và lì xì đầu năm

Nét văn hóa này có từ thời xa xưa, chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết, vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội ngoại, mang theo quà cáp để mừng cho gia chủ.

Con cháu thì chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì nhỏ màu đỏ, có hình chữ nhật, bên trong đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu nhận được sẽ ngày càng được đạt được nhiều may mắn, thành công.

Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó ở ý nghĩa và nét văn hóa ấy, nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận.

  1. Đi lễ chùa đầu năm

Ảnh minh hoa: Lễ hội làng

Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc, đồng thời đó còn là việc làm để tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.

Đi lễ chùa đầu năm còn là việc khiến bản thân mình trở nên thanh tịnh hơn, gột rửa những điều cũ, bắt đầu cho một năm mới với những điều may mắn, tốt đẹp.

  1. Xin chữ đầu năm

Ảnh: Đi xin chữ ngày Tết.

Cứ vào dịp xuân đầu xuân năm mới mọi người lại rủ nhau đi xin chữ đầu xuân về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Từng nét chữ hiện ra, may mắn càng đong đầy hơn, cả người cho chữ và người xin chữ đều nhận được lộc đầu năm, mỗi người xin một chữ khác nhau với những mong muốn khác nhau nhưng tất cả đều mong một năm mới vạn điều mới, mọi sự tốt lành, gia đình con cái hòa thuận, êm ấm, đạt được những thành công trong cuộc sống.

Ngày nay, việc xin chữ ngày càng phổ biến, nó đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa người Việt cứ mỗi độ Tết đến xuân về. Chữ nghĩa thường mang giá trị ý nghĩa hơn những lời nói sáo rỗng, để lại bài học giáo dục sâu sắc hơn.

Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, nó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và làm theo.

Những hình ảnh Tết xưa đẹp, ý nghĩa:

Ảnh minh họa: Gia đình

Share this post